Trần Đăng Huy (giữa) tại hội thảo Singapore Model United Nations năm 2013 - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
“Em nhận được thư chúc mừng của ĐH Harvard vào lúc 3 giờ 30 sáng. Đó sẽ là một ngày không thể quên trong cuộc đời em. Em chỉ kịp cất lên hai tiếng “mẹ ơi”, rồi cả nhà cùng ôm nhau khóc và thức cho tới sáng”, Trần Đăng Huy bắt đầu câu chuyện về hành trình đến với ĐH Harvard của mình.
Sự việc đã trôi qua nhưng ngồi kể lại, Huy vẫn chưa hết xúc động: “Dù có quyết tâm và tự tin trước khi nộp hồ sơ, nhưng em vẫn không tin vào sự thật mình được nhận vào trường trong số 34.295 ứng viên dự tuyển. Đặc biệt hơn, trong số 2.023 sinh viên trúng tuyển năm học này chỉ có 10,5% sinh viên nước khác (ngoài Mỹ) được chọn”.
Mới bước sang tuổi 19, nhưng cách trò chuyện của Huy trưởng thành hơn nhiều so với tuổi. Theo cách Huy nói, hành trình nộp hồ sơ dự tuyển thật dễ dàng khi chỉ cần chuẩn bị đủ các giấy tờ theo yêu cầu về bảng điểm, thư giới thiệu, bài luận… Nhưng thực tế, mỗi một yếu tố là sự chuẩn bị hết sức dày công qua nhiều năm tháng. Chẳng hạn, một bảng điểm tốt là kết quả của nhiều ngày học tập vất vả, chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/đêm. “Trong bộ hồ sơ này, quan trọng nhất là bài luận. Viết một bài luận hay cần có sự trải nghiệm và quan sát. Bài luận cần thể hiện được sự riêng biệt từ suy nghĩ đến sự trưởng thành của bản thân”.
Dù vậy, hồ sơ đẹp vẫn chỉ là một bước đệm để đến được vòng phỏng vấn trực tiếp với đại diện trường. Kể về cuộc phỏng vấn, Huy cho biết: “Cuộc hẹn ban đầu chỉ 45 phút nhưng cuối cùng đã kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ nhờ sự thú vị. Họ hỏi rất nhiều chủ đề khác nhau rồi tường thuật lại bằng 5-6 tờ giấy A4. Nhưng em nghĩ đó chỉ là một cuộc trò chuyện và các câu hỏi chỉ muốn tập trung tìm hiểu về con người thật của ứng viên. Do vậy, kinh nghiệm mà em thấy được là cố không run sợ, thay vào đó hãy thể hiện thật tự nhiên và thoải mái về bản thân mình”.
Thành công từ những trải nghiệm
Có ước mơ du học từ nhỏ, Huy bắt đầu trang bị vốn tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học. Bắt đầu làm quen với tiếng Anh từ lớp 2 qua các mẩu truyện vui, đến năm 13 tuổi Huy đã lấy được chứng chỉ CAE (Certificate in Advanced English) và đạt 7,5 điểm IELTS năm 15 tuổi. Năm 2012, Huy xuất sắc vượt qua kỳ thi SAT với điểm số cận tuyệt đối 2.390/2.400 điểm.
Trong suy nghĩ của mình, Huy luôn cho rằng điểm số không phải là mục tiêu quan trọng nhất của việc học tập, và đó cũng không phải điều kiện quyết định để xin học bổng. Chính sự khác biệt trong suy nghĩ có được từ sự trải nghiệm đã giúp Huy nộp đơn thành công. Vì vậy, chỉ 4 năm nhưng Huy đã đến 11 quốc gia khác nhau để tham gia các hoạt động ngoại khóa và trao đổi học tập. Đáng nhớ nhất trong các chuyến đi này là hành trình đến Hà Lan trong cuộc hội thảo tranh luận về các vấn đề chính trị quốc tế dành cho học sinh phổ thông quốc tế (The Hague International model united nations). Có lẽ nhờ đó mà bên cạnh các môn khoa học, trong Huy bắt đầu nhen nhóm tình yêu với triết học.
Giờ đây Huy lại chuẩn bị cho một hành trình mới rất dài phía trước. Để chắc chắn với dự định theo học chuyên ngành tài chính, Huy đang tranh thủ thời gian ngắn ngủi ở quê nhà để thực tập tại một công ty.
Từ một học sinh Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Huy thi đậu cả hai ban chuyên Anh và chuyên toán Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm 2009, Huy đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố. Năm 2010, khi vừa kết thúc lớp 10, Huy đã giành được học bổng toàn phần 4 năm để trở thành học sinh Trường Saint Andrew’s Junior College (Singapore). Trong 4 năm học này, Huy tiếp tục chuẩn bị hành trang cho mục tiêu bước chân vào giảng đường ĐH Harvard. Minh chứng là hai huy chương vàng liên tiếp tại cuộc thi Olympic toán học Singapore. Không chỉ toán, Huy còn được trao giải vàng cuộc thi Common Wealth Essay Competition 2013 (cuộc thi quốc tế dành cho các nhà văn trẻ bậc phổ thông với khoảng 11.000 bài dự thi).
0 comments:
Post a Comment