728x90 AdSpace

TIN MỚI NHẤT

Tuesday, September 30, 2014

Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng

Với 3 tỉ lít bia trong năm 2013, VN trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia, nhưng cũng trong năm 2013 theo Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của người VN thuộc mức thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 so với Singapore.

VN hiện là quốc gia dẫn đầu ASEAN về tiêu thụ bia - Ảnh: Ngọc Thắng
Dù chưa có kết luận chính thức nào về mối liên hệ giữa 2 việc này nhưng nghịch lý "quán quân" về uống bia, "đội sổ" về năng suất đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết.

Quán quân... uống bia

Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Euromonitor, năm 2013, VN tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương giá trị 3 tỉ USD, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi 10 năm trước, VN chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia. Như vậy, chỉ sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%. Theo dự báo của Bộ Công thương đưa ra đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia, lượng tiêu thụ trung bình mỗi người dân cũng tăng từ mức 32 lít/năm hiện tại lên 47 lít/năm. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.

Năm 2013 chúng ta "kiếm" được 2,95 tỉ USD tiền bán gạo nhưng chúng ta lại “tiêu béng” hết vào bia. Nếu lượng tiền dùng cho bia, rượu được đầu tư cho phát triển kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra được giá trị gia tăng tốt hơn. Việc tiêu thụ rượu, bia quá lớn phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành tệ nạn xã hội
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Theo Euromonitor, VN hiện thuộc nhóm 25 quốc gia có tốc độ gia tăng nhu cầu tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới. Ấn Độ đang tăng với tốc độ 17%/năm, Brazil tăng 16%/năm thì VN cũng đang ở tốc độ không kém cạnh là 15%/năm. Chính sự tăng trưởng “đáng nể” này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia vào thị trường bia, bất chấp kinh tế suy thoái. Ước tính ở VN hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước với hơn 400 nhà máy sản xuất bia. Riêng về nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, chúng ta đang nhập khẩu từ 3,6 - 4 triệu lít/năm.

Dù công suất tăng liên tục, cuộc cạnh tranh giữa các hãng bia ngày càng gay gắt nhưng lợi nhuận của ngành bia vẫn tăng mạnh mỗi năm. Theo Bộ Công thương, năm 2011, lợi nhuận từ doanh nghiệp bia đạt khoảng 7.500 tỉ đồng, năm 2012 là 8.600 tỉ đồng và đạt 10.150 tỉ đồng trong năm 2013. Cụ thể hơn, chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng của Sabeco, đại gia hàng đầu trên thị trường bia trong 10 năm trở lại đây để thấy tốc độ “nốc” bia của người Việt khủng đến mức nào. Nếu như năm 2005, sản lượng của Sabeco chỉ 148,5 triệu lít bia các loại thì 5 năm sau, năm 2010 con số này đã lên 1,08 tỉ lít và sang năm 2013 là 1,33 tỉ lít.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty vật liệu xây dựng Secoin, trong một bài viết gần đây về bia rượu và thuốc lá, cho rằng, giá bia của VN chỉ bằng 1/4 giá bia của Malaysia. Hiện VN đang đứng đầu top 5 nước có giá bia rẻ nhất thế giới: VN, Campuchia, Ukraine, Philippines và Ethiopia. Ông Kỳ cũng cho biết, các đối tác ngoại nhận xét người Việt “nhậu dữ quá”.

Năng suất làm việc bằng 1/15 thiên hạ

Trong khi tốc độ tiêu thụ bia tăng phi mã theo mỗi năm thì thu nhập bình quân của chúng ta chỉ xếp thứ 8/11 trong khu vực ASEAN, xấp xỉ 2.000 USD/năm. Đặc biệt, năng suất lao động của VN theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Trong khi đó, các quốc gia dẫn đầu về năng suất lao động hiệu quả cũng không có tên tuổi trên bản đồ tiêu thụ bia.

Nói về vấn đề này, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), nói: “Năng suất lao động không là ngoại lệ. Bởi khi uống vào, mắt mũi kèm nhèm rồi, còn tỉnh táo đâu để làm việc nữa. Thứ nữa, việc uống bia ngay trong giờ hành chính là ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, thậm chí không làm được gì, nhất là uống vào giờ ăn trưa. Ăn trưa không uống bia, 13 giờ 30 có thể vào làm việc được. Nhưng lai rai vài ba chai, 15 giờ chưa về đến cơ quan, thậm chí nghỉ luôn cả buổi chiều, làm sao năng suất không thua người ta, không tụt lại phía sau được”.

Bàn về hệ lụy từ bia rượu đối với sức khỏe cộng đồng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh nhấn mạnh nỗ lực của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội trong phát triển kinh tế cũng như chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ “sớm bị hòa tan cùng với bia rượu” khi mức độ tiêu thụ mặt hàng này tăng trên 12% mỗi năm. Chưa hết, theo bà Hạnh, thực trạng tăng chi tiêu vào sản phẩm bia là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước. Tháng 7 vừa qua, một thống kê của Bộ Y tế đưa ra cho thấy tỷ lệ nam giới tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia là hơn 36%.

Về góc độ kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận xét: “Năm 2013 chúng ta "kiếm" được 2,95 tỉ USD tiền bán gạo nhưng chúng ta lại “tiêu béng” hết vào bia. Nếu lượng tiền dùng cho bia, rượu được đầu tư cho phát triển kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra được giá trị gia tăng tốt hơn. Việc tiêu thụ rượu, bia quá lớn phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành tệ nạn xã hội. Theo đó, năng suất lao động khó nói đến hai chữ hiệu quả”.

Mua bia nhiều hơn xuất khẩu gạo

Trong khi người nông dân VN xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng con số 3 tỉ USD. “Cày cuốc cả năm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì hàng triệu nhà nông Việt cũng chỉ mang về bằng số tiền chúng ta đang “nốc” bia hằng năm”, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản tại Q.3 (TP.HCM) nhận xét.


Theo thanh nien
Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng
  • Title : Uống bia nhất bảng, làm việc chót bảng
  • Posted by :
  • Date : 9:44 PM
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Top