Đoàn Hải Giang tại nơi làm việc của Facebook ở California - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Giang có thể kể rõ hơn về con đường hình thành Human Rank?
Năm 2012, tôi đang học ngành khoa học máy tính, Trường University of Wisconsin - Madison và chuẩn bị hồ sơ đi xin thực tập thì một giáo sư người Mỹ đưa tôi tập hồ sơ của một sinh viên VN xin học bổng và hỏi: “Cậu có nghĩ đây là sinh viên VN tốt nhất trong ngành này hay không?”. Câu hỏi đó khiến tôi lóe lên ý tưởng lập một hệ thống cơ sở dữ liệu để người xin việc, người tuyển dụng đều có thể dựa vào đó chấm điểm các hồ sơ xin việc. Người xin việc biết được họ đang ở đâu trên thị trường nhân lực, còn người tuyển dụng có thể chọn ứng viên phù hợp nhất với họ.
Khi tôi mang ý tưởng trình bày với ông giáo sư, ông ấy cười và nói: “Thế cậu nghĩ cậu có thể làm tốt hơn những người tuyển dụng chuyên nghiệp?”. Tôi thấy bị chạm tự ái, nên quyết tâm làm ra sản phẩm để cho ông ấy thấy. Đó là lý do Công ty Human Rank ra đời.
Ý kiến
"Một đội mạnh với tầm nhìn xa và niềm đam mê lớn; rất có thể xây dựng được thế hệ tiếp theo của Linkedin".
Giáo sư Remzi Arpaci - Dusseau(ngành computer science, UW-Madison, Mỹ).
"Hệ thống này có thể là một công cụ tuyển dụng rất mạnh mẽ và đánh bại Linkedin trong tương lai gần".
Ông Abhinav Gupta (Phó chủ tịch Công ty Rocket Fuel, Mỹ).
Vậy hệ thống “chấm điểm” của Human Rank hoạt động như thế nào?
Tôi viết một phần mềm, dựa trên các yếu tố đầu vào, hệ thống sẽ chấm điểm cho từng thông số cơ bản của hồ sơ. Ví dụ, bạn có 5 năm kinh nghiệm thì sẽ được điểm cao hơn người có 3 năm kinh nghiệm; nhưng bạn học ở trường top 10 thì bằng của bạn lại được chấm điểm cao hơn bằng tốt nghiệp nếu học ở trường top 60. Như vậy, sau vài giây nhúng hồ sơ vào hệ thống, màn hình sẽ hiện ra danh sách các điểm thành phần và một tổng điểm để đối chiếu, người xin việc cũng biết được họ đang yếu cái gì để có thể bổ sung.
Sau khi viết phần mềm, tôi thu thập cơ sở dữ liệu để người dùng có thể so sánh. Hiện tôi đang làm cơ sở dữ liệu hồ sơ nhân sự bắt đầu từ các ngành kỹ thuật. Tôi có hơn 2,5 triệu hồ sơ của các ứng viên và mỗi tháng có thêm 3 triệu hồ sơ mới, nên việc đối chiếu, so sánh cũng cho kết quả khá chuẩn xác. Bạn có thể thử http://humanrank.us, hoàn toàn miễn phí.
Đến giờ Giang có thể nói gì về triển vọng của dự án này?
Sau gần 2 năm triển khai, tôi đã có cơ sở dữ liệu khá tốt trong các ngành nghề như các nhà nghiên cứu về khoa học máy tính (computer research scientists) và kỹ sư phần mềm (software engineer). Nhiều người dùng đã đánh giá khá cao.
Dự án này có thể giúp bạn trẻ ở các nước đang phát triển có thể đặt mình trong các tiêu chí tuyển dụng toàn cầu, để họ biết mình ở đâu nhằm hoàn thiện bản thân. Khi hòa nhập càng sớm với thế giới thì người trẻ càng có cơ hội để thành công.
Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu, mở rộng ngành nghề, sau đó triển khai tại các quốc gia khác. Nói chung vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đây chỉ là giai đoạn đầu của cuộc hành trình.
Từ câu chuyện của mình, Giang có lời khuyên nào cho những người trẻ khởi nghiệp?
Tôi nghĩ những người khởi nghiệp, ngoài ý tưởng phải có 3 yếu tố: thực sự đam mê, có tiền và có quan hệ. Ý tưởng sáng tạo chỉ là một yếu tố, quan trọng để biến ý tưởng đó thành hiện thực là một chiến dịch huy động nguồn lực, trong đó, nguồn lực tài chính là quan trọng nhất. Nếu không có nó, dự án của bạn có thể chết khi nó chưa kịp lớn.
Nếu không có đam mê, bạn sẽ không thể làm triền miên trong nhiều tháng trời. Chỉ có niềm đam mê, sống với niềm đam mê mới có thể giúp bạn tiếp tục làm việc và mơ tới ngày làm ông chủ lớn, làm triệu phú đô la từ dự án của mình.
Phải có quan hệ, ở VN hay Mỹ cũng thế, phải có quan hệ thì mới thành công được. Nếu bạn làm đơn đi học nước ngoài, được ai đó có uy tín giới thiệu, bạn sẽ có được lợi thế. Nộp đơn xin việc, vào Google là một ví dụ, một năm công ty này nhận khoảng một triệu đơn xin việc, có thể hồ sơ của bạn sẽ không bao giờ được ngó tới, nhưng nếu có một người quản lý ở Google giới thiệu cho bạn, chỉ trong 7 ngày bạn sẽ được gọi đi phỏng vấn.
Theo thanhnien
0 comments:
Post a Comment