728x90 AdSpace

TIN MỚI NHẤT

Thursday, September 25, 2014

Có cần giải oan cho Đường Tăng?

Phải chăng ngay đất Phật cũng tham nhũng, hành chính quan liêu sách nhiễu? Và người đức cao vọng trọng như Đường Tăng cũng phải hối lộ thì mới được việc?

Trần Huyền Trang và đệ tử trong một bản phim Tây du ký. Ảnh: tư liệu
Theo truyện Tây du ký, Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, trải bao gian khó và cám dỗ, cuối cùng đến được Tây Trúc. Thật oái oăm, ở cửa ải cuối cùng này, thầy trò Đường Tăng lại bị gây khó dễ. Vì không hiểu “luật bất thành văn” nên họ chỉ nhận được kinh vô tự, nói theo ngôn ngữ ngày nay là “hàng giả”. Mang kinh này về thì có cũng như không, vì chẳng có chữ nào mà truyền giảng. Cũng chẳng biết ăn nói thế nào với nhà vua và bàn dân thiên hạ. Nên khi phát hiện ra, thầy trò Đường Tăng cuống cuồng quay trở lại chất vấn. Nên nhớ lúc này Đường Tăng đã thoát xác, bỏ lại cái thân phàm tục trôi sông. Các đồ đệ của ngài cũng đều là bậc thần thánh, chỉ vì mắc lỗi nên mới phải chịu phạt hộ tống ngài sang Tây Trúc thỉnh kinh. Vậy mà khi nhận được kinh vô tự, cả bốn thầy trò vội vã trở lại đấu tranh đòi “hàng thật”.

Có cần giải oan cho Đường Tăng?

Rút kinh nghiệm lần trước, lần này thầy trò Đường Tăng đã “hối lộ” hai vị A Nan và Ca Diếp chiếc tô vàng, là thứ mà Đường Tăng dùng đựng thức ăn mỗi khi đi khất thực, thì họ mới nhận được “hàng thật”, tức kinh có chữ, từ Phật Tổ. Thầy trò kiểm tra từng cuốn cẩn thận, như hải quan cửa khẩu, rồi mừng mừng tủi tủi, tạ ơn ra về.

Chuyện kể đại ý như vậy, nhưng diễn giải thì có vô vàn thức. Tranh cãi mải miết mấy trăm năm vẫn chưa dứt.

Đầu tiên là khoản hàng giả hay hàng thật. Đạo Phật vốn đặt nặng vào tính Không. Nên nhiều người cho rằng, chính bản kinh vô tự kia mới là chân kinh, hay đích danh hàng thật. Chính Đức Phật cũng nói: “Suốt 49 năm giảng đạo, ta chưa từng nói điều gì”. Chưa nói điều gì thì làm gì có kinh sách. Nếu có thì cũng chỉ là kinh vô tự mà thôi. Nhưng vì sao ngay cả Đường Tăng, đã đắc thành chính quả, lại cũng không ngộ ra được điều này, không phân biệt được đâu là chân đâu là giả, lại nhất nhất đòi đổi “hàng thật” lấy “hàng giả” là sao? Hay bản thân ông cũng sợ không biết ăn nói thế nào với nhà vua và đại chúng? Đây xứng đáng là một công án thiền cho thiên hạ đau đầu chơi: giả chân chân giả, biết ai ai biết? Phải chăng, đồ giả mà mắt thấy tai nghe sờ mó được thì vẫn hơn đồ thật mà hình bóng đâu đâu không ai hình dung được?

Điều thứ hai là phải chăng ngay đất Phật cũng tham nhũng, hành chính quan liêu sách nhiễu? Và người đức cao vọng trọng như Đường Tăng cũng phải hối lộ thì mới được việc?

Người mến đạo có thể cho đây là một công án nữa cần làm sáng tỏ. Sau nhiều ngày suy nghĩ lao lung, nhiều cuộc tranh cãi chí choé tốn nhiều giấy mực, bỗng một tối ngồi sờ râu cằm, một đêm trằn trọc mất ngủ, hay một sớm độc ẩm bất giác ngộ ra rằng: chuyện đạo đâu phải chuyện đời. Muốn đến được với đạo thì phải buông tất cả. Cái bát này tuy chỉ là bát để xin ăn, nhưng lại làm bằng vàng, do vua ban tặng, nên nó là phú quý quyền uy, là giàu sang danh vọng của đời. Muốn đạt đạo, phải buông bỏ những thứ này trước đã. Buông bát là buông những bả danh hoa phú quý ở đời. Vậy nên, chẳng có chuyện tham nhũng hối lộ gì ở đây cả.

Nhưng chuyện dường như không đơn giản như vậy. Muốn buông thì nói một câu là xong, sao lại phải làm khó nhau đến thế? Mà các vị La Hán cũng rách chuyện: đã đắc đạo rồi thì còn lấy tô vàng làm chi cho mệt. Đã bắt kẻ khác buông thì sao mình lại nhận về? Mà nếu không phải vậy, chỉ là giở bài trêu chọc, thì có phải là các vị vẫn thích đùa giỡn bông lơn chưa thoát khỏi vòng hỷ nộ?

Hay trên đời cái gì cũng có giá. Vật càng trân quý thì giá càng cao. Nếu vật quý mà cho không lại sinh lòng khinh miệt. Vậy nên, vô giá như đại đạo chân kinh thì sao có thể cho không, mà kẻ nhận thì sao có thể nhận không mà về được? Ai cũng nhận không thì sẽ sinh lòng khinh rẻ, nên dù có chân kinh trong tay thì cũng như không có?

Nhưng Đường Tăng đây có nhận không? Để đi được đến đó phải qua biết bao khổ nạn, vượt qua biết bao cám dỗ. Ngoài thời gian ra thì còn phải trả biết bao chi phí cơ hội khác. Hiểm nguy không ngại, sống chết không màng, lòng thành đã rõ, nếu tính chi li thì cũng là vô giá, vậy sao còn bày trò thử thách làm chi?

Đại ý cuộc tranh cãi cứ tiếp diễn như vậy, dây cà ra dây muống, công án này chồng công án kia. Vò đầu bứt tóc, cứ ngỡ giải được cái này, chưa kịp vui thì cái khác lại ló ra tắp lự. Nhưng xem ra việc giải các công án này chỉ là việc của kẻ vô công rồi nghề hay bậc trí giả. Chứ người đời ai quan tâm làm chi. Họ chỉ quan tâm đến khía cạnh ứng dụng của câu chuyện này mà thôi.

Nhờ có chuyện này mà lương dân thấp cổ bé họng khi bị hạch sách phải đút lót thì cũng chặc lưỡi cho qua. Đến Đường Tam Tạng còn phải hối lộ thì nói gì mình, muốn được việc thôi cứ bát vàng đi trước cho đỡ mệt xác. Tôn Ngộ Không, 72 phép thần thông biến hoá, trời không biết sợ, mà cũng phải làm ngơ cho vụ này thì nói chi tài hèn sức mọn như mình. Vậy nên bát vàng đi trước là bát vàng khôn.

Kẻ thích đạo đức thì lắc đầu ngao ngán. Thiên hạ loạn hết cả rồi. Đến La Hán cũng còn ăn đút lót. Mà lại ăn ngay đất Phật, thế mới điên đầu. Dưới vòm trời này, xem ra không còn chỗ nào gọi là trong sạch. Xem ra không thể tin ai. Phải chăng vì lợi ích nhóm? Đúng là đại loạn, đại loạn!

Nhưng vui nhất có lẽ là quan nha. Từ nay tha hồ lấy đó làm niềm an ủi: Thấy không, ngay cả đất Phật cũng có tham nhũng. Đến La Hán còn ăn hối lộ. Vậy trách gì chúng tôi người phàm mắt thịt, tham sân si chưa dứt? Mà xem ra chuyện tham nhũng đút lót cũng chẳng có gì là xấu, xứ Phật còn như thế, huống gì là xứ người.

Vậy là chỉ một chi tiết nhỏ trong một câu chuyện hư cấu của xứ Tàu đã làm bao người xứ ta điên đầu, nhưng cũng lại là phao cứu sinh cho biết bao người. Thế mới biết diễn giải của người đời phong phú đến bực nào. Diễn giải thế nào không hẳn dựa vào đúng hay sai, mà chủ yếu là thế nào thì có lợi cho mình nhất. Nếu không thì ít ra cũng an ủi được mình nhất. Còn chuyện đúng sai chỉ Đức Phật biết.

À mà không, rất có thể Phật cũng không biết, chỉ có Ngô Thừa Ân biết, vì ông là người sáng tác tình tiết oái oăm này. Khi viết đoạn này, có thể Ngô Thừa Ân chỉ bông đùa chứ chẳng hàm ý sâu xa gì, đâu ngờ chi tiết này lại làm đau đầu và tốn giấy mực bao người, trong đó có kẻ viết bài này. Và chắc chắn, ông không thể ngờ 500 năm sau ở một xứ lạ hoắc, điều ông viết ra lại trở thành phao cứu sinh cho biết bao quan nha, để họ vin vào đó mà đòi tô vàng của người dân thấp cổ bé họng, và dập tắt đi ý niệm về một sự công chính cần phải có.

Ô hô! Ai tai!

GIÁP VĂN
---
Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, số Tết, 2014
Có cần giải oan cho Đường Tăng?
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Post a Comment

Top